Mỹ tiếp tục siết chặt với Huawei và ZTE

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đang lên kế hoạch nhằm loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei và ZTE khỏi mạng lưới viễn thông.

Huawei và ZTE sắp hết cơ hội làm ăn với các nhà mạng nông thôn Mỹ. Ảnh: Tech Engage

Huawei và ZTE sắp hết cơ hội làm ăn với các nhà mạng nông thôn Mỹ. Ảnh: Tech Engage

Trong buổi họp báo tại Washington ngày 28/10, FCC kiến nghị bổ sung lệnh hạn chế mới đối với các công ty Mỹ sử dụng tiền ngân sách chính phủ để mua thiết bị hoặc dịch vụ có xuất xứ Trung Quốc.

CNN nhận định động thái mới của Washington là nhằm kiềm tỏa tham vọng mở rộng toàn cầu của các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là Huawei.

Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và đứng thứ hai trên thị trường smartphone. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang giữ số bằng sáng chế kỷ lục trong công nghệ 5G. “Đồng hương” của Huawei là ZTE cũng sản xuất thiết bị viễn thông và smartphone nhưng ở quy mô nhỏ hơn.

Chủ tịch FCC Ajit Pai nói lý do bổ sung lệnh cấm vì Huawei và ZTE có thể là mối đe dọa đối với an ninh mạng lưới viễn thông Mỹ. Ông dẫn chứng Luật Tình báo quốc gia được Bắc Kinh thông qua năm 2017, yêu cầu các tổ chức phải “hỗ trợ nhà nước trong công tác tình báo”.

“Có nghĩa Trung Quốc có thể buộc Huawei phải theo dõi các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ”, ông Pai nói. “Nếu mạng 5G với thiết bị Huawei hoạt động gần căn cứ quân sự hoặc địa điểm nhạy cảm của Mỹ, Bắc Kinh có thể yêu cầu thiết lập cửa hậu (backdoor) để bí mật truy cập, phát tán phần mềm độc hại hoặc virus và thu thập thông tin mà người Mỹ không hay biết”.

Theo ông, hàng chục nhà mạng nhỏ ở khu vực nông thôn Mỹ hiện sử dụng thiết bị Huawei và ZTE tiềm ẩn “nguy cơ không thể chấp nhận”. Trong tháng 9, FCC trình lên chính phủ dự luật hỗ trợ các nhà mạng khoảng 1 tỷ USD để loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei và ZTE.

Cơ quan này lên lịch vào ngày 19/11 để các nhà mạng bỏ phiếu và thông báo về mức chi phí cần thiết trong việc loại bỏ hoàn toàn thiết bị Trung Quốc khỏi hệ thống mạng hiện hành, đồng thời xây dựng chương trình hoàn trả để bù đắp chi phí thay thế thiết bị. Nhà mạng không tuân thủ sẽ bị cắt quyền tiếp cận nguồn ngân sách hàng năm của Mỹ trị giá 8,5 tỷ USD.

Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), ông Ajit Pai. Ảnh: The Verge

Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), ông Ajit Pai. Ảnh: The Verge

Huawei nhiều lần phủ nhận công nghệ của hãng tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh quốc gia Mỹ. Ngày 29/10, người phát ngôn Huawei cho rằng “việc cấm các nhà cung cấp dựa trên nguồn gốc quốc gia không phải là cách Mỹ bảo vệ mạng lưới viễn thông. Đề xuất của FCC sẽ chỉ làm tổn thương các nhà mạng vùng nông thôn và gia tăng hơn nữa khoảng cách kỹ thuật số, trì hoãn tốc độ phát triển kinh tế”.

Trước đó, hãng công nghệ Trung Quốc khẳng định sự vắng mặt ở thị trường Mỹ không ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của công ty, do doanh số bán thiết bị cho các nhà mạng Mỹ chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với Huawei từ ngày 15/5 là đòn chí mạng cho hãng trong việc sản xuất smartphone, do mất quyền truy cập hệ sinh thái ứng dụng của Google.

ZTE không đưa ra bình luận, nhưng họ cũng từng bác bỏ ý kiến rằng thiết bị của hãng là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ. Dù báo cáo doanh thu quý II/2019 của ZTE không phản ánh tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh tại Mỹ, theo chuyên gia phân tích của Jefferies, các sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 72% tổng doanh thu của công ty trong hai năm qua.

 

 

Bài viết liên quan