Hóa thạch cổ đại tiết lộ bộ hàm khó tin của loài cá mập sống ở kỷ Devon

Các nhà cổ sinh vật học đến từ Maroc mới đây đã tìm thấy hàng loạt mảnh hóa thạch được cho là bắt nguồn từ một chi của loài cá mập cộng sinh sống trong khoảng thời gian nửa cuối kỷ Devon. Đặc biệt, loài động vật này chưa từng được mô tả trong bất cứ tài liệu khảo cổ nào từ trước đến nay.

Kỷ Devon (kỷ Đề-vôn) là một kỷ địa chất trong đại Cổ Sinh, được đặt tên theo tên gọi của khu vực Devon, Anh, nơi mà các loại đá thuộc kỷ này được nghiên cứu lần đầu tiên. Đây được coi là kỷ nguyên rực rỡ của các loài cá, khi rất nhiều trong số chúng đã dần tiến hóa để có chân và bắt đầu thích nghi việc đi lại trên cạn như là động vật bốn chân. Trong khi những loài ở lại với biển cũng mang đến mình các đặc điểm ngoại hình cực kỳ dị biệt so với những gì chúng ta biết tới ngày nay.

Bộ khung hóa thạch mới được các nhà cổ sinh vật học Maroc phát hiện được cho là thuộc về một loài cá mập mà con người chưa từng biết đến: Ferromirum oukherbouchi, sinh sống tại các đại dương trên Trái đất cách đây khoảng 365 triệu năm.

Hóa thạch loài Ferromirum oukherbouchi

Hóa thạch loài Ferromirum oukherbouchi

Sau khi phân tích kỹ lưỡng cách mảnh hóa thạch và sử dụng kỹ thuật dựng hình dựa trên đồ họa máy tính, các nhà khoa học đã khắc họa được một con cá mập sở hữu thân hình nhỏ con và tương đối mảnh mai, với chiều dài cơ thể chỉ khoảng 33 cm (13 inch). Tuy nhiên, con vật lại sở hữu đôi mắt to đến mức “khó tin” và bộ hàm có kết cấu cực kỳ đặc biệt.

“Hóa thạch được bảo quản tự nhiên không thể hoàn hảo hơn, điều này giúp chúng tôi không gặp quá nhiều khó khăn trong việc phục dựng lại hình ảnh ngoại hình của con vật một cách chính xác nhất”, Tiến sĩ Christian Klug, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Paläontologisches Institut und thuộc Đại học Zurich, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Tiến sĩ Klug và các đồng nghiệp đến từ Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và Hà Lan đã mất nhiều tháng trời nghiên cứu hình thái học và cấu trúc cơ sinh học bộ hàm được bảo tồn tự nhiên của con Ferromirum oukherbouchi này. Kết quả cho thấy hai bên hàm dưới của con vật không được hợp nhất ở giữa giống như đa số các loài động vật và chính loài cá mập ngày nay. Cơ cấu đặc biệt này cho phép nó không chỉ có thể điều chỉnh khả năng mở hàm linh hoạt, độc lập theo từng bên, mà thậm chí còn tự động xoay cả hai bên hàm hơi hướng ra ngoài.

“Nhờ bộ hàm vô cùng linh hoạt này, những chiếc răng trẻ hơn, lớn hơn và sắc hơn, thường hướng vào bên trong miệng, đã được đưa vào vị trí thẳng đứng, qua đó dễ dàng kết liễu con mồi hơn”, Tiến sĩ Linda Frey, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thêm. “Thông qua một động tác xoay vào trong đơn giản, những chiếc răng dài, nhọn sẽ đẩy con mồi vào sâu hơn trong khoang miệng khi hàm đóng lại”.

Ngoài ra, cơ chế này còn cho phép Ferromirum oukherbouchi thực hiện một thủ thuật đặc biệt được gọi là “hút ăn”. Kết hợp với sự di chuyển hướng ra bên ngoài của hai bên hàm dưới, việc mở miệng sẽ khiến nước biển tràn vào khoang miệng nhanh chóng. Sau đó khi con vật ngậm nhanh miệng lại, một lực kéo cơ học sẽ được hình thành, cuốn theo những con mồi nhỏ và làm chúng bất động.

Các nhà khoa học tin rằng kiểu khớp hàm này đã đóng một vai trò quan trọng trong thời đại Cổ sinh. Tuy nhiên, với việc các loài động vật có xu hướng thay răng ngày càng thường xuyên, cơ chế đã trở nên “lỗi thời” theo thời gian, và được thay thế bằng những chiếc hàm phức tạp hơn của cá mập và cá đuối ngày nay.

Hiện tại, vẫn còn nhiều điều về loài cá mập Ferromirum oukherbouchi mà các nhà khoa học chưa biết đến, và sẽ cần được giải đáp qua những nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Bài viết liên quan